Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2016

Một số quy trình xử lý khô áo quần jean

Các quy trình xử lý hàng jean phân thành 2 nhóm:
  • Các quy trình xử lý ướt ( Wet wash process) thực hiện trong các máy wash 
  • Các quy trình xử lý khô ( Dry wash process) không thực hiện trong máy wash
1. Bắn cát 

Một số quy trình xử lý khô áo quần jean
Bắn cát hay sand blasting là quá trình dùng không khí thổi các hạt cát rất mịn với áp suất cao lên một số khu vực dự tính trước trên áo quần jean. Khi đó, diện tích bề mặt của quần áo được thổi, bông trắng sẽ xuất hiện do phần thuốc nhuộm indigo bị ma sát với cát bóc ra và jean đạt được hiệu ứng màu sắc rất giống với áo quần bị mòn sau một quá trình dài sử dụng , gọi là “worn look” hay “old look “.

Phương pháp này được sử dụng rất phổ biến trước đây, nhưng hiện nay hầu như bị cấm và ít phổ biến vì tác động nguy hiểm của nó đối với sức khỏe của công nhân.

2. Chà nhám 

Một số quy trình xử lý khô áo quần jean

Chà nhám là quá trình tác động ma sát bằng giấy nhám cát lên những khu vực mong muốn để loại bỏ màu trên bề mặt vải denim , tác động này cũng tạo ra được các hiệu ứng mòn hoặc mô phỏng hiệu ứng  áo quần đã qua sử dụng. Nó thường được thực hiện bằng cách mắc áo quần trên các bong bóng cao su và dùng giấy nhám ma sát lên những khu vực được xác định trước theo mẫu yêu cầu.

Khu vực thường được chà nhám là phía trước đùi, mông, đầu gối… hoặc các vị trí khác với cường độ khác nhau làm sao để đạt được vẻ tự nhiên nhất, mô phỏng áo quần Jean đã cũ hay trải qua quá trình sử dụng trong đời sống của con người. Vị trí nào bị cọ xát nhiều, vị trí đó sẽ bị bạc màu nhiều.

3Tạo râu mèo 

Một số quy trình xử lý khô áo quần jean
Là động tác tạo ra các đường mòn ở vùng đùi hoặc trên hông, phía trước hoặc sau gối v.v..,  mô phỏng những vị trí bị mòn tự nhiên do các vết gấp trên quần Jean trong quá trình sử dụng ở tư thế ngồi.

Nhiều phương pháp được thiết kế để tạo ra hiệu ứng này trên quần jean. Chủ yếu là dùng bong bóng cao su có sẵn thiết kế các mẫu râu mèo, hay các tấm cao su xốp có tạo sẵn những mẫu râu mèo với  cao độ  khác nhau.  Ma sát bằng giấy nhám cẩn thận trên các đường khắc nỗi này, sẽ tạo ra các hình râu mèo  có màu nhạt hơn ở những vùng nổi cao và ít nhạt hơn  ở những vùng thấp hơn hoặc giữ nguyên màu jean ở những vùng lõm không tiếp xúc với giấy nhám. Hoạt động này đòi hỏi lao động có tay nghề cao, khéo léo để tạo ra những mẫu đồng nhất.

Vải cũng có thể bị gây tổn hại trong quá trình ma sát nếu không lưu ý. Giấy nhám được chọn sử dụng tùy theo đặc điểm cấu trúc vải dày mỏng, thường có độ mịn trong khoảng từ 240 – 340.

4. Tạo nếp nhăn bền với giặt giũ trên quần jean

Một số quy trình xử lý khô áo quần jean
Công đoạn tạo nếp nhăn vĩnh viễn trên quần denim được thực hiện sau khi tất cả các quá trình xử lý ướt đã làm xong.
Phương pháp này có thể thực hiện được trên các sản phẩm may mặc làm từ tất cả các loại vải như Jean, Twill, Canvas, vải mỏng, vải nhung kẻ, dệt kim...

Để tạo nếp nhăn bền lâu dài với giặt giũ , phải sử dụng hóa chất nhựa, phun trên hàng may mặc ở vị trí đã tạo nếp nhăn , sau đó sấy khô cục bộ vị trí các nếp nhăn đó và cuối cùng là đưa áo quần đã xử lý như trên vào trong một lò nung nhiệt độ cao, trong một khoảng thời gian nhất định. Resin sẽ trở thành không tan với nước, do đó sẽ giữ lại vết nhăn đã tạo vĩnh viễn trên áo quần, không bị mất đi do quá trình giặt giũ.
Resin được pha loãng với nước theo khuyến cáo của nhà cung cấp hóa chất, thường là 20% nhựa và 80% nước.
Nhiệt độ lò nung cũng theo khuyến cáo của từng nhà cung cấp, trung bình từ 140 ° C đến 160 ° C, Thời gian 10 -15 phút.

5. Tạo nhăn toàn bộ quần 

Một số quy trình xử lý khô áo quần jean
Thực hiện cùng nguyên lý như trên, nhưng áo quần được bó lại có thể bằng dây hay túi lưới và ngấm nhựa trong máy wash trong thời gian 5-10 phút ở nhiệt độ  50°c 

6. Mài mòn và phá hủy các đường biên áo quần 

Khi chúng ta nhìn vào áo quần jean cũ, đôi khi chúng ta thấy nó bị phá hủy một số  vị trí trên các cạnh của túi, lai, hay thậm chí lưng quần. Hiệu ứng này có thể được tạo ra trên áo quần jean bằng cách mài mòn hay phá huỷ nó tùy mức độ. Phương pháp mài này được thực hiện bằng các  công cụ bằng đá đựơc quay bằng mô- tơ điện. Nó có thể được thực hiện vào giữa các quá trình wash. Trong một số trường hợp nó  được thực hiện trước quá trình wash , ngay sau khi may.  Các công cụ bằng đá này tương tự như máy mài sử dụng trên gỗ hoặc công nghiệp mài đá , thay đổi một số thiết kế để có thể dùng trong công nghiệp wash áo quần jean

7. Tạo nếp bạc màu tự nhiên bằng ghim tạo nếp gấp trước khi wash 

Một số quy trình xử lý khô áo quần jean
Tạo ra nếp bạc màu hay nếp mòn trên áo quần jean bằng cách nẹp hoặc ghim áo quần ở một số điểm bằng ghim nhựa trước công đoạn wash cũng rất phổ biến trong công nghệ wash jean. Mục đích cũng để tạo ra hiệu ứng các vết mòn tương phản màu trên áo quần jean

Quá trình này có thể được tạo ra bằng cách dùng các dụng cụ bấm nhãn thường dùng trong ngành may cùng với ghim nhựa để cố định trước các nếp gấp trên quần áo. Sau đó đưa áo quần đã ghim qua xử lý trong máy wash 

 Ma sát và tác dụng của hóa chất trong quá trình wash sẽ tạo ra bạc màu ở các nếp gấp này .

Thông thường những nếp gấp theo phương pháp này được thiết kế ở các vị trí như: lưng quần, lai quần, túi sau, góc túi trước...

8. Bắn hoặc xoa thuốc tím 

Một số quy trình xử lý khô áo quần jean
Bắn thuốc tím được thực hiện trên quần jean để tạo hiệu ứng sáng màu thêm trên khu vực đã chà nhám do tác dụng tẩy màu của thuốc tím với thuốc nhuộm indigo trên vải jean. Điều quan trọng của việc phun thuốc tím là tăng thêm  hiệu quả sáng màu của quá trình ma sát bằng giấy nhám trước đó , rút ngắn quá trình wash emzyme mà vẫn đạt được màu mong muốn, tránh được việc hư hại quần áo do phải xử lý quá lâu trong máy wash.  Permanganat kali nồng độ 15 – 25 g/l , được phun lên áo quần đã mặc trên các vật giả hình người bằng  cao su  bằng  súng phun thường dùng trong công nghiệp sơn .

 Thoạt đầu khi phun xong , thuốc tím có màu tím hồng trên áo quần và chuyển sang màu nâu bùn khi khô ( do thuốc tím chuyển thành oxide mangane). Quần áo được để chờ khô sau khi phun thuốc tím và khi permanganat kali thay đổi màu sắc hoàn toàn ,  nó được coi là đã sẵn sàng cho quá trình tiếp theo.

Luôn luôn theo sau bắn thuốc tím là quá trình trung hòa. Sodium bisulphate Meta  thường được sử dụng làm chất trung hòa. Quá trình này được thực hiên trong máy wash. Công thức cụ thể sẽ đề cập trong bài đăng sau, ở đây chỉ nói khái quát về quy trình.

Vài chú ý trong quá trình bắn thuốc tím:

Một số quy trình xử lý khô áo quần jean
Áo quần được gắn trên các hình giả dạng người bằng cao su, sau đó thổi phồng và hóa chất được bắn trên khu vực cần thiết, chú ý các yêu cầu:

+ Khoảng cách của súng phun đến áo quần ít sẽ cho hiệu quả tẩy màu rõ hơn và sắc nét, khoảng cách xa sẽ dẫn đến tác dụng nhẹ hơn và ít sắc nét hơn. Trung bình khoảng cách này khoảng từ 30 -45 cm.

+ Không để thuốc tím phun ra dạng giọt nước, áp suất khí nén thấp có thể làm KMnO4 phun ra dạng giọt trên áo quần dẫn đến các điểm trắng không tự nhiên, xem như lỗi.

Có thể điều chỉnh nồng độ Kali Permanganate để kiểm soát mức độ tẩy sáng mong muốn

9. Tạo 3D bằng Resin

Một số quy trình xử lý khô áo quần jean
Hóa chất Resin đang được sử dụng để đạt được hiệu ứng 3D bền trong công nghệ xử lý jean. Quá trình này có thể được thực hiện bằng cách phun hoặc nhúng các sản phẩm trong hỗn hợp nhựa, kết hợp với tác nhân  xúc tác, hồ mềm và Polyurethane. 

Tùy theo độ bền của vải & hiệu quả mong muốn cần thiết để chuẩn bị hỗn hợp resin. Tạo các nếp gấp 3D như thiết kế mong muốn . Sau đó, áo quần được sấy khô bằng máy sấy tóc hay ép nóng và sau đó phải được lưu nhiệt trong lò nướng ở nhiệt độ thích hợp;  thời gian và nhiệt độ cài đặt như khuyến cáo của người cung cấp hóa chất nhựa đang sử dụng.
Nếu nhựa không được curing đúng ( chưa đủ nhiệt độ hay thời gian yêu cầu ), 3D sẽ không có hiệu lực lâu dài và có thể gây kích ứng da cho người mặc.

10. Tạo vết rách

Một số quy trình xử lý khô áo quần jean
Các hiệu ứng này được sử dụng để mô phỏng thực tế áo quần Jean đã bị mòn rách và phá hủy một số vị trí do thời gian sử dụng quá dài . Chúng được tạo ra bằng cách dùng các công cụ cạnh cắt hoặc lưỡi dao để cắt một số sợi dọc trên quần và sợi ngang màu trắng được giữ lại, kết hợp với công đoạn wash sau đó để tạo ra những điểm bị phá hủy rất  đẹp và tự nhiên. Chú ý là các sợi ngang phải được giữ lai, sợi dọc đã cắt sẽ bị bóc bỏ trong quá trình wash . Nếu các sợi ngang cũng bị cắt, quần sẽ bị lỗ hỏng không mong muốn. Do vậy, đòi hỏi công nhân phải có tay nghề khéo léo để làm công đoạn này.



Trên đây là một số kỹ thuật xử lý khô tạo hiệu ứng thời trang cho áo quần jean rất phổ biến trong đời sống hiện tại. Hy vọng các bạn sẽ hiểu được một phần công nghệ xử lý khi làm việc hoặc tiếp xúc với áo quần jean. Các công đoạn xử lý ướt sẽ được đăng tiếp trong bài tiếp theo.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates | coupon codes